Ngay từ khi mới chào đời, cơ địa và hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu nên rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm. Trong đó, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị đau mắt hiện khá cao, điều này làm cho nhiều bố mẹ lo lắng. Vậy, làm sao để trẻ hết đau mắt và không bị tái phát? Xin mời tham khảo câu trả lời ở dưới đây nhé.
Nội dung
Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ có nguy hiểm không?
Việc chăm sóc cho trẻ sơ sinh chưa bao giờ là một việc làm dễ dàng, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến vùng xung quanh mắt của bé. Trẻ sơ sinh bị đau mắt là một cụm từ dùng để chỉ chung cho các loại bệnh liên quan đến mắt.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị đau mắt hiện khá cao làm cho nhiều bố mẹ lo lắng
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường rất dễ mắc các bệnh về mắt nguy hiểm như: viêm tắc tuyến lệ, viêm kết mạc mắt, mắt đổ ghèn nhiều, đau mắt đỏ,… Những căn bệnh này đặc biệt rất dễ lây lan thành dịch.
Nguy hiểm hơn, tình trạng trẻ sơ sinh bị đau mắt còn có thể dẫn tới các biến chứng nặng, có nguy cơ gây ra tình trạng suy giảm thị lực ở trẻ. Nếu không có phương pháp điều trị đúng đắn, phù hợp, trẻ sẽ lâu hồi phục và có thể còn bị mù lòa.
Xem thêm: Khi Trẻ Sơ Sinh Bị Đau Mắt Đỏ, Mẹ Cần Làm Gì Để Giúp Bé Nhanh Khỏi?
Trẻ sơ sinh bị đau mắt phải làm sao?
Đau mắt ở trẻ sơ sinh xuất hiện cùng với một số triệu chứng như: mí mắt trẻ đỏ tấy lên, lúc này mắt trẻ sẽ rất nhạy cảm với ánh sáng vì áp lực trong mắt của bé đang bị gia tăng. Đồng thời, trẻ sẽ bị chảy nước mắt, ghèn mắt liên tục, thậm chí đồng tử mắt còn có màng trong.
Dưới đây là một số phương pháp giúp bố mẹ có thể chữa được bệnh đau mắt thông thường tại nhà cho trẻ sơ sinh.
Đối với trẻ sơ sinh bị chắp (lẹo) mắt
Chắp mắt là một loại mụn nhỏ mọc ở dưới bờ mi mắt, dưới chân của lông mi. Nguyên nhân chắp hình thành là do một loại tuyến nhỏ ở bờ mi mắt trẻ bị nhiễm trùng. Trẻ sơ sinh bị lẹo mắt, bố mẹ tuyệt đối không được dùng các vật nhọn để chích hoặc nặn làm vỡ mụn. Vì làm như vậy sẽ khiến bé yêu bị đau, tăng khả năng nhiễm trùng mà mụn lẹo mắt thì vẫn không khỏi.
Cách xử lý hiệu quả nhất tại nhà đó là chườm ấm. Bố mẹ hãy dùng miếng khăn mềm và sạch đem nhúng vào nước ấm rồi vắt kiệt nước đi, đem chườm lên mụn lẹo cho con. Mỗi ngày chườm như vậy khoảng 3 lần, mỗi lần chườm từ 5 - 10 phút.
Nếu lẹo mắt của bé vẫn không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu sưng lên to hơn thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị đúng đắn, hợp lý.
Trường hợp trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ
Một số trường hợp các trẻ sơ sinh sẽ vừa bị ho lại vừa bị đau mắt đỏ. Lòng trắng mắt của trẻ bị ngứa, hơi sưng và có màu đỏ. Khi bé sơ sinh hết ho, mắt của bé cũng sẽ tự khỏi.
Nếu như các bé chỉ bị đau mắt, lòng trắng mắt có vệt màu đỏ, trẻ luôn chảy nước mắt. Buổi sáng, sau khi ngủ dậy, 2 mí mắt trẻ sẽ bị dính vào nhau. Rỉ màu vàng nhiều đến nỗi các bé không tài nào mở mắt được. Khi đó, bố mẹ phải đưa bé sơ sinh tới bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và điều trị.
Trong khi chờ đợi khám bác sĩ, các mẹ có thể rửa nhẹ nhàng mắt cho bé bằng nước ấm và lau bằng khăn sạch mềm. Nếu bé sơ sinh mới được mấy tuần tuổi mà đã bị đau mắt nghiêm trọng như vậy, mẹ phải tìm hiểu xem liệu có phải bé bị tắc ống lệ đạo (đường dẫn nước mắt) hay không. Từ đó, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho bé.
Trẻ sơ sinh bị đau mắt nhiều ghèn
Ngay sau khi sinh, bé yêu rất dễ bị lây nhiễm các chất bẩn hay vi trùng, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài vào mắt. Bởi vậy, ngay từ khi mới lọt lòng, các bé thường được các bà đỡ hoặc y tá tra 1 loại thuốc phòng bệnh vào mắt, chẳng hạn như dung dịch nitrat bạc.
Tuy nhiên, dung dịch nitrat bạc cũng không thể trừ diệt được một số vi trùng, chẳng hạn như trùng bệnh chlamydia. Cho nên ngày nay người ta thường nhỏ thêm vào mắt trẻ thuốc kháng sinh như cycline.
Xem thêm: Trẻ Sơ Sinh Bị Đau Mắt Có Ghèn: Chữa Trị Thế Nào Cho Đúng?
Khi sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt cho bé, mẹ cần hỏi kỹ ý kiến bác sĩ
Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ hoặc chảy nước mắt, mẹ nên làm gì?
Nhiều trẻ sơ sinh đã bị rỉ ghèn ở mắt ngay khi mới sinh ra, khiến cho các bà mẹ lo sốt vó. Vậy, khi trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ phải làm sao?
Đây là một chứng nhiễm trùng ở trẻ em thông thường, do từ lúc sinh ra mắt bé đã bị các chất lỏng (máu, dịch ối…) chảy vào mắt. Cũng có trường hợp do bé sơ sinh vệ sinh kém gây ra.
Nhiều trường hợp rỉ ghèn đùn ra, dính với lông mi bít kín mắt bé, nếu không được làm vệ sinh kịp thời, rỉ khô sẽ đóng tảng lại khiến cho bé không thể mở mắt ra được.
Có trường hợp bé sơ sinh bị nhiễm trùng mắt nặng, rỉ đùn ra có màu vàng như mủ và tình trạng này có thể kéo dài từ 3 5 ngày không khỏi. Khi đó, bố mẹ cần đưa bé đi khám ngay, vì có thể bé sẽ mắc phải các bệnh nặng về mắt nếu không được xử lý, chữa trị kịp thời.
Mẹ nên chuẩn bị 1 túi bông gòn sạch, nhúng vào bát nước đun sôi để ấm, pha với một chút muối (hoặc có thể dùng nước muối sinh lý 0,9%), sau đó lau mắt cho bé một cách nhẹ nhàng, tránh lau quá sâu vào trong mắt bé để không gây tổn thương mắt.
Ngày vệ sinh cho bé từ 2 3 lần hoặc lau nhẹ mắt trẻ bất cứ khi nào thấy rỉ đùn ra. Các chị em nhớ rằng không nên tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt dành cho bé. Để cẩn trọng hơn, tốt nhất mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi mua thuốc nhỏ cho bé.
Để phòng tránh các bệnh về mắt cho trẻ sơ sinh, mẹ hãy nhớ giặt riêng khăn mặt của trẻ và đem phơi ở ngoài nắng để diệt khuẩn.
Mẹ nên dùng khăn riêng lau mắt cho bé sơ sinh để đảm bảo vệ sinh
Mẹ cũng không nên dùng khăn để lau mặt của bé để tiến hành lau các vùng cơ thể khác. Để ngừa bệnh đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn cho trẻ sơ sinh, chị em cần rửa tay cho bé với xà bông và nước ấm đều đặn, thường xuyên. Mẹ hãy nhớ, tránh để bé dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn lau mặt, khăn tắm, tăm bông vệ sinh mắt, gối đầu chung với người khác nhé.
Trẻ sơ sinh bị đau mắt mẹ kiêng ăn gì? Các loại thức ăn có nhiều gia vị cay nóng như tiêu, tỏi, ớt,... là những món ăn mà mẹ nên hết sức tránh xa vì có thể gây kích ứng cho trẻ. Mẹ cũng nên kiêng uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích, không uống cafe, hút thuốc vì sẽ càng làm cho tình trạng đau mắt của trẻ trở nên nặng hơn.
Khi trẻ sơ sinh bị đau mắt, mẹ cần lưu ý gì để chăm sóc trẻ tốt nhất?
Không được tùy tiện xông mắt cho trẻ: Đối với người lớn, có một vài bài thuốc dân gian như xông mắt bằng lá trầu hay là cây giành giành để điều trị chứng đau mắt đỏ. Tuy nhiên, phương pháp này tuyệt đối không được áp dụng đối với trẻ sơ sinh vì mắt trẻ cực kỳ non nớt. Do đó, nếu hành phần, liều lượng và cách xông mắt không đúng đắn sẽ phản tác dụng, như vậy chỉ khiến bệnh tình của trẻ thêm nặng mà thôi.
Không lấy tay không để cạy ghèn mắt trẻ: Trẻ sơ sinh bị đau mắt nhiều ghèn thì mẹ cũng không nên vì thế mà dùng tay không hay khăn khô để lau ghèn mắt cho trẻ. Bởi như vậy sẽ rất dễ khiến cho trẻ bị rách màng mắt, gây đau, rát.
Không tự ý pha nước muối để vệ sinh mắt cho trẻ: Nên sử dụng nước muối sinh lý là tốt nhất vì dung dịch này đảm bảo không lẫn tạp chất. Trong muối ăn có thể bị lẫn tạp chất và các bụi bẩn, đây không phải là muối chuyên dùng để vệ sinh mắt trẻ sơ sinh đâu, mẹ nhé.
Không đưa trẻ đến nơi đông người, ồn ào hay những nơi có nhiều khói bụi: Nơi đông người sẽ có khói bụi, vi khuẩn nhiều, tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm nhiều loại bệnh tật. Đồng thời cũng khiến cho tình trạng đau mắt của con càng nặng thêm. Do vậy, khi con yêu bị đau mắt, cha mẹ cần bảo vệ con trong môi trường thật sạch sẽ, an toàn.
Tuyệt đối không dùng tay không hay khăn khô để lau ghèn mắt cho trẻ
Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị đau mắt đến gặp bác sĩ?
Nhiều mẹ không biết trẻ sơ sinh bị đau mắt thì làm thế nào nên nhiều khi trẻ vừa mới chớm bị đau mắt đã đưa ngay đến gặp bác sĩ. Sự cẩn thận đó là rất tốt, tuy nhiên đôi khi lại không cần thiết. Thực ra, khi trẻ sơ sinh xuất hiện những dấu hiệu bất thường như dưới đây thì bố mẹ mới cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ:
- Khi mắt trẻ ngày càng bị sưng đỏ, tăng nặng hơn mà không có dấu hiệu thuyên giảm;
- Khi trẻ bị đau mắt đổ nhiều ghèn, kéo màng làm giảm khả năng nhìn của trẻ;
- Khi trẻ sơ sinh bị đau mắt có ghèn vàng, xanh, ghèn mắt đổ lâu ngày không giảm;
- Trẻ bị đau mắt qua 5 ngày, dù đã dùng nhiều biện pháp vẫn không thuyên giảm;
- Trẻ khó chịu, quấy khóc, lấy tay dụi mắt liên tục, trẻ sốt cao.
Kết luận
Với những cách điều trị đơn giản cho trẻ sơ sinh bị đau mắt kể trên, mẹ có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, nếu sau 1 - 2 ngày nếu bệnh của trẻ không khỏi mà càng trở nặng, phụ huynh bé cần đưa bé đến ngay bệnh viện để khám. Trong thời gian trẻ sơ sinh bị bệnh, mẹ nên cho con bú nhiều hơn, ăn uống đầy đủ để giữ sức khỏe và nâng cao hệ miễn dịch để cho trẻ nhanh bình phục.
Xem thêm:
Trẻ Sơ Sinh Bị Chàm Sữa Ở Mặt - Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Phương Pháp Điều Trị
Nguồn tham khảo:
- https://vn.theasianparent.com/be-so-sinh-bi-dau-mat
- https://www.matsaigon.com/benh-nhiem-khuan-mat-o-tre-em.html
- https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/conjunctivitis