Hiện tượng que thử thai 2 vạch báo đã có thai nhưng mẹ bầu lại không có dấu hiệu mang thai rõ ràng trong một vài ngày hay một vài tháng đầu tiên của thai kỳ cũng là hoàn toàn bình thường. Dưới đây là một số lý giải cho hiện tượng này, mẹ bầu không nên quá lo lắng!
1. Vì sao có thai mà không có dấu hiệu mang thai?
Trong thực tế, cảm giác toàn thân mệt mỏi, rã rời là triệu chứng phổ biến nhất khi đã mang thai. Đây cũng là triệu chứng ít được mẹ chú ý nhất, chính vì vậy, mang thai nhưng không có dấu hiệu gì là chuyện vô lý nhưng hoàn toàn có thể xảy ra.
- Dấu hiệu có thai xuất hiện 1 cách mờ nhạt và nhanh biến mất: Trên thực tế, có những chị em phụ nữ trải nghiệm sớm triệu chứng có thai ngay trong vài tuần đầu. Tuy nhiên, những dấu hiệu trên lại không thực sự rõ ràng, khiến chị em không nhận ra, hoặc không thể khẳng định chắc chắn, cho đến khi que thử thai 2 vạch hay thăm khám mới cho kết quả chính xác. Không dừng ở đó, khi đang mang thai đến tuần 13, các triệu chứng từng xuất hiện có thể lại “bỗng dưng biến mất” khiến chị em hoảng hốt. Hiện tượng này cũng là bình thường, vì thế chị em không cần quá lo lắng. Bởi lẽ, khi cơ thể khỏe mạnh bình thường, thai nhi vẫn an toàn mà không cần bất cứ dấu hiệu nào khác.
- Dấu hiệu mang thai đến muộn: Khi những dấu hiệu có thai chưa xuất hiện thì có thể là chúng sẽ xuất hiện muộn, do một số yếu tố nào đó của cơ thể mẹ bầu. Chẳng hạn như những mẹ bầu phải tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên sẽ khiến cho các triệu chứng mang thai xuất hiện muộn hơn so với người bình thường.
- Bị trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai do vừa mới thụ thai: Một trong những nguyên nhân khiến cho chị em không hề nhận thấy dấu hiệu mình đang mang thai là do chỉ vừa mới thụ thai và chỉ mới chậm kinh 1 - 2 tuần. Đây chỉ mới là những tuần đầu tiên của thai kỳ, sự phát triển của bào thai chỉ mới “manh nha” nên mẹ bầu chưa thể cảm nhận sự thay đổi rõ rệt. Vậy chậm kinh bao nhiêu ngày thì chắc chắn có thai?
Nếu mẹ mới mang thai 5 tuần không có dấu hiệu gì, que thử thai cho kết cho quả dương tính thì mẹ cũng đừng lo vì lúc này các triệu chứng thai kỳ sẽ chưa xuất hiện hoặc không rõ nét. Chính vì thế, những mẹ bầu có thai nhưng chưa thấy có biểu hiện ốm nghén là hoàn toàn bình thường.
- Nếu bị trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai do không bị ốm nghén: Không ít chị em được bác sĩ siêu âm xác nhận đã có thai nhưng không có dấu hiệu gì khác biệt. Nếu mẹ bầu nào nằm trong top ấy thì chính là người may mắn vì đã không phải đối mặt “vật vã” với cơn ốm nghén. Những thai phụ này sẽ trải qua thai kỳ một cách vui vẻ, thuận lợi, thoải mái. Họ ăn uống vẫn ngon miệng, đời sống tình dục thăng hoa, tinh thần phấn chấn,…
Mẹ bầu có sức khỏe tốt có thể sẽ không bị ốm nghén
Trên thực tế, không ít chị em không hề biết mình đã mang thai vì không cảm nhận được bất kỳ dấu hiệu mang thai nào trong suốt tam cá nguyệt đầu tiên. Nếu không bị ốm nghén thai kỳ mà que thử thai hai vạch thì đây là dấu hiệu gần như chính xác tuyệt đối báo tin mẹ đã có thai.
Dù không cảm nhận được những triệu chứng ốm nghén như bình thường, mẹ bầu vẫn cần đi khám thai đều đặn, tuân thủ theo những chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi. Bước sang giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ, mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ ràng hơn sự lớn dần của em bé và các triệu chứng “nghén dở” khi bụng bầu đang ngày càng lớn dần.
2. Không có dấu hiệu mang thai cảnh báo điều gì?
Việc mẹ bầu không có dấu hiệu khi mang thai nhưng chậm kinh có thể là lời cảnh báo những bệnh lý sau:
- Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome – PCOS): Không xuất hiện những biểu hiện ốm nghén cũng là chuyện hoàn toàn bình thường, tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ mẹ bầu mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang.
Khi đó, mẹ sẽ không có biểu hiện mang thai như buồn nôn, chóng mặt hoặc có biểu hiện nhưng không rõ rệt, nghiêm trọng như các mẹ bầu khác. Nếu mẹ bầu bị buồng trứng đa nang trong thai kỳ cần phải đến ngay bệnh viện để được theo dõi chặt chẽ, đề phòng các biến chứng nguy hiểm.
Buồng trứng đa nang trong thai kỳ khiến mẹ bầu gặp nguy hiểm
- Dấu hiệu cảnh báo sảy thai: Việc xuất hiện các triệu chứng ốm nghén đặc biệt là giai đoạn đầu thai kỳ đều làm cho hầu hết mẹ bầu khó chịu. Nhưng nếu đang có thai mà không có dấu hiệu của thai nghén lại càng khiến mẹ bầu lo lắng hơn vì cảm giác như không có biện pháp nào để liên lạc được với con.
Trong những tuần đầu tiên, nếu mẹ bầu đột ngột mất đi các dấu hiệu đặc trưng của thai kỳ, cần thận trọng và tính đến nguy cơ sảy thai sớm. Đa số thai phụ nếu bị sảy thai thường thấy xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo ồ ạt, nhưng cũng có người sảy thai tự nhiên mà không có dấu hiệu gì.
Những vấn đề về thai nghén sẽ làm mẹ cạn kiệt năng lượng, thay vì lo lắng cho sự an toàn của thiên thần nhỏ, mẹ hãy tập trung nghỉ ngơi, bồi bổ cơ thể và thai nhi. Trong 3 tháng đầu tiên, mẹ chỉ cần ăn uống với số lượng như bình thường nhưng đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng là đủ.
Mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ các khoáng chất, protein, sắt, canxi, vitamin B11 và axit folic. Trong đó, vitamin B11sẽ giúp mẹ tránh được dị tật bẩm sinh cho bé như dị tật ở ống huyết quản, bệnh tim, sứt môi, hở hàm ếch,… Trong đó, axit folic đóng vai trò tối quan trọng đối với sự phát triển trí não, các dây thần kinh và sự phát triển toàn diện của bào thai.
3. Những biểu hiện nguy hiểm trong thai kỳ mẹ bầu cần lưu ý
Nếu mẹ bầu có vấn đề gì xấu xảy ra trong thai kỳ, chắc chắn rằng cơ thể sẽ có những biểu hiện cụ thể như: mờ mắt, bỗng dưng một bộ phận nào đó trên cơ thể nóng và đau, mẹ bầu bị sốt cao hơn 1 ngày,... thì mẹ cần phải đi đến bệnh viện ngay để kịp thời xử lý.
Bên cạnh đó, nếu bị đau bụng đột ngột hoặc đau liên tục kèm theo hiện tượng chảy máu âm đạo, đau đầu nặng hoặc tiêu chảy, buồn nôn, nôn thốc tháo kéo dài hơn 24 tiếng thì mẹ bầu cần hết sức cảnh giác.
Khi đã có những dấu hiệu trên, tức là cơ thể mẹ bầu hoặc thai nhi đang gặp vấn đề nguy hiểm về sức khỏe, có thể đây là “điềm báo” nguy cơ sảy thai. Do đó, chị em luôn cần hết sức cẩn trọng lưu ý.
Chị em phải luôn lưu ý kỹ càng các dấu hiệu và phản ứng, những thay đổi của cơ thể dù là nhỏ nhất để đảm bảo sức khỏe thai kỳ. Đồng thời, cần báo cụ thể, chi tiết cho bác sĩ những biểu hiện trên để có phương hướng xử trí nhanh chóng, kịp thời nếu có bất ổn xảy ra.
Dấu hiệu có thai nhiều hay ít tùy thuộc vào cơ địa từng người
Có thể nói rằng, những dấu hiệu đặc trưng của thai kỳ không xuất hiện dù đã mang thai xảy ra ở mẹ bầu là hiện tượng bình thường. Dấu hiệu thai nghén có thể xuất hiện muộn hơn so với dự đoán của chị em, tùy vào cơ địa, tình trạng sức khỏe cũng như môi trường sống, thói quen sinh hoạt của mỗi người.
Khi không có các dấu hiệu có thai hoặc chưa có rõ ràng mà cơ thể cũng không có biểu hiện gì bất thường, đáng ngại thì chị em không nên quá lo lắng. Tốt nhất chị em nên giữ tinh thần thoải mái, không được quá lo âu, để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
4. Mẹ bầu nên làm gì khi không có dấu hiệu mang thai?
Nhờ vào sự nhạy cảm của mình, nhiều chị em có thể nhận ra các dấu hiệu mang thai ngay từ những tuần đầu tiên. Nhưng không phải mẹ bầu nào cũng có “may mắn” đó.
Có những người mới chớm có thai đã xuất hiện những triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, đau tức ngực,… nhưng cũng có nhiều người mang thai không có dấu hiệu gì rõ ràng.
Nếu mới bắt đầu có thai, chị em hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm khoảng 1 - 2 tuần nữa, khi đó các triệu chứng mang thai sẽ dần “lộ diện” và trở nên rõ ràng hơn. Hầu hết các dấu hiệu của thai kỳ sẽ bắt đầu rõ nét khi thai nhi được 6 tuần tuổi.
Khi thai được 8 - 9 tuần, mẹ bầu có thể nghe được nhịp tim của thai nhi thông qua máy siêu âm. Nếu chị em đã nghe được nhịp tim của con yêu rồi nhưng cũng vẫn chưa thấy có biểu hiện mang thai thì cũng đừng quá lo lắng nhé. Việc mẹ bầu cần làm lúc này là hãy tranh thủ tận hưởng khoảng thời gian “tươi đẹp” ngắn ngủi này chừng nào còn có thể, vì cơn “nghén dở” có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Nếu nghi ngờ có thai, cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác
Trong trường hợp nếu chị em đã xuất hiện những biểu hiện đặc trưng của việc mang thai rồi nhưng sau đó lại đột ngột biến mất thì hãy cẩn thận nhé. Bởi vì đây có thể là dấu hiệu của việc sảy thai. Nhưng chị em cũng đừng vội hoang mang, hoảng sợ nếu như không có dấu hiệu như: chảy máu âm đạo, đau bụng dữ dội,…
Chị em cần áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, đủ chất, kết hợp với chế độ vận động nhẹ nhàng và nghỉ ngơi hợp lý. Hãy nhớ, luôn theo dõi sức khỏe và lắng nghe cơ thể mình một cách cẩn thận, để có thể kịp thời nhờ đến sự can thiệp, hỗ trợ của bác sĩ nếu như mọi chuyện có chiều hướng xấu đi.
Kết luận
Khi đã xác định mang thai, mẹ bầu không nên lo lắng quá nhiều nếu không có dấu hiệu mang thai. Thay vào đó, mẹ hãy nghỉ ngơi, thư giãn cho thoải mái tinh thần và thăm khám bác sĩ thường xuyên, đúng lịch hẹn để đảm bảo sự phát triển của thai nhi một cách tốt nhất.
Nguồn tham khảo:
- https://www.marrybaby.vn/thu-thai/dung-bat-ngo-khi-co-thai-nhung-khong-co-dau-hieu-gi
- https://yeutre.vn/bai-viet/nhung-dau-hieu-co-thai-khong-xuat-hien-mac-du-da-mang-thai-ly-do-tai-sao.22805/
- https://www.babycenter.com/400_i-am-six-weeks-pregnant-with-no-symptoms-is-this-normal_955210_940.bc
Đọc thêm: Que Thử Thai 1 Vạch Nhưng Vẫn Có Thai Là Vì Sao?